Từ U20 đến buổi tập đêm của ông Troussier

Đội tuyển U20 Việt Nam có trận thắng đầu tiên tại VCK U20 châu Á trước Australia với bàn thắng sớm và một lối chơi chững chạc. Điều này không gây quá nhiều bất ngờ, vì tại các sân chơi trẻ, bóng đá Việt Nam không quá thua kém nếu so với các trận đấu ở cấp độ đội tuyển.

1. Thành tích tốt nhất trên đấu trường quốc tế kể từ khi hội nhập sau ngày thống nhất đất nước cũng đến từ tuổi U, đó là tấm vé vào bán kết tại giải U16 châu Á tổ chức ở Đà Nẵng hồi năm 2000, trong đó có cơn “địa chấn” mà thế hệ của Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật … tạo ra trước U16 Trung Quốc. Đó cũng là thời điểm mà chúng ta nói đến “Thế hệ vàng 2.0” sau thời của thế hệ đoạt HCB SEA Games 1995. Còn tấm vé World Cup đầu tiên của sân chơi 11 người, cũng là lứa U19.

Bóng đá ở cấp độ trẻ chúng ta không thua thiệt nhiều. Một lý do là vì ở lứa tuổi U, thông thường các nền bóng đá phát triển cũng không đặt nặng thành tích và cũng không cử những cầu thủ xuất sắc nhất trong độ tuổi đi đá giải.

Nhưng lý do quan trọng hơn, đó là các cầu thủ tuổi U của Việt Nam đều có khuynh hướng chuyên nghiệp cao. Họ ăn tập, thi đấu không khác mấy so với cầu thủ chuyên nghiệp chứ không phải thuộc nhóm bóng đá trường học như nhiều nơi khác. Điều này dẫn đến tư duy chiến thuật và kinh nghiệm thi đấu của cầu thủ trẻ Việt Nam tốt hơn khi đá những giải quốc tế, đặc biệt là từ U20 trở xuống.

Tiêu biểu như 2 cầu thủ Khuất Văn Khang, Bùi Vĩ Hào đều đang chơi V-League dù ra sân không nhiều. Họ khoác áo các đội tuyển U17 đến bây giờ, chơi hàng chục trận quốc tế. Mới năm trước Văn Khang còn đá ở VCK U23 châu Á. Hay như lứa U19 của HLV Hoàng Anh Tuấn hồi 2016 cũng đã nhiều người được đôn lên chơi V-League từ 17 tuổi. Nhìn chung, hệ thống các tuyển U của Việt Nam được xây dựng theo mô hình bậc thang. Cứ đá xong U17 thì lên U19 rồi U21, nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm quốc tế.

2. Buổi tập đầu tiên của đội U23 Việt Nam, cũng là ngày làm việc chính thức đầu tiên của tân HLV Troussier với các đội tuyển kết thúc lúc 22g50. Với một số cầu thủ từng là học trò của HLV Troussier tại đội U19 mấy năm trước thì tập đêm như vậy không lạ. Nhưng đây không phải là “kế hoạch đặc biệt” nào của ông Troussier cả. Đợt tập trung này chỉ thêm 3 buổi đêm nữa thôi. Dường như việc tập đêm chỉ là kiểm tra khả năng thích ứng của các cầu thủ, hơn là chuyên môn.

Đó có thể là một chi tiết được chắt lọc từ kinh nghiệm của HLV Troussier. Một chi tiết có thể rất nhỏ nhưng cũng cho thấy HLV Troussier đã sẳn sàng cho công việc của mình từ lâu. Một trong những điểm yếu lớn nhất của cầu thủ Việt đó là thể lực và sự thích ứng.

Từ U20 đến buổi tập đêm của ông Troussier - Ảnh 1.

HLV Troussier thị phạm cho các cầu thủ trong buổi tập đầu tiên của U23 Việt Nam vào tối ngày 1/3/2023. Ảnh: Minh Dân

Ngay thời ông Park Hang Seo, yếu tố mà ông thay đổi nhiều nhất ở đội tuyển là quá trình chuẩn bị. Tức là tâm thế trước khi ra sân. Ông Troussier ngay từ đầu cũng tỏ rõ thông điệp của mình: Cầu thủ buộc phải thích ứng mọi thay đổi do ông tạo ra. Chuyện họ có quen với điều đó hay không, chẳng phải việc của ông.

Nhưng nhìn ở một góc độ khác, ông Troussier cho thấy đang chịu một khối lượng công việc lớn hơn người tiền nhiệm. Có sự chênh lệch lớn giữa lứa U23 này và lứa U23 lúc ông Park mới tiếp quản. Nếu U23 lứa ông Park có tới hơn chục cầu thủ đã đá ở ĐTQG từ trước đó, như Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh, Quang Hải, Văn Hậu… thì nhóm cầu thủ mà ông Troussier vừa gọi chuẩn bị cho SEA Games không có ai đủ trình độ để dự AFF Cup vừa rồi.

Người duy nhất là Khuất Văn Khang thì hiện đang xuống chơi ở đội U20. Cầu thủ U23 thời ông Park có băng ghi hình để xem họ đá ở V-League, còn với ông Troussier thì chắc chắn là con số 0 hoặc chỉ là tư liệu từ các giải U trong năm 2022. Như vậy, ông Troussier vừa sàng lọc mà gần như phải bổ sung cho cầu thủ những trải nghiệm thực tiễn.

Cách tiếp cận của HLV Troussier cho thấy ông khá am hiểu bóng đá Việt Nam, một trong những tiêu chí quan trọng làm nên thành công cho các chuyên gia ngoại từ trước đến nay. Nhưng biết là một chuyện, còn cải thiện các vấn đề của con người mà ông đang có trong tay ra sao, lại chưa thể nói trước được.

3. Chúng ta có khá nhiều thành công ở bóng đá tuổi U, nhưng cho đến tận thời điểm này, làm sao để chiến thắng trước U20 Australia sẽ trở thành chiến thắng ở cấp độ đội tuyển, thì vẫn chưa có câu trả lời?

Có một khoảng trống rất lớn trong quá trình phát triển của cầu thủ trẻ. Chúng ta vẫn cứ thích tận hưởng những thành công ở các lứa U để mơ mộng về tương lai của họ. Thực tế thì ngay cả các thời điểm mà bóng đá Việt Nam đào tạo không tốt, thì khi đá những giải U quốc tế, vẫn có thành tích như thường, do các đối thủ không quá đặt nặng thắng thua khi tham gia.

Rồi như lứa U19 của HA.GL, thắng Australia tưng bừng tại vòng loại châu Á, chơi ngang ngửa với U19 Nhật Bản ở chung kết U19 Đông Nam Á, nhưng sau 7 năm thì cứ dậm chân một chỗ về trình độ. Trong khi một vài cầu thủ Australia và Nhật Bản thời điểm đó giờ đã vươn đến đẳng cấp châu Âu, chơi bóng ở giải Ngoại hạng Anh hằng tuần.

Vậy mà thành công của U19 Việt Nam khi đó khiến cho một vài lãnh đạo VFF đã nói đến “giấc mơ World Cup” 2022. Nhưng như đã thấy, thành tích tuổi U chỉ có giá trị nếu nền bóng đá có một đường băng để giúp cầu thủ trẻ thăng hoa. Còn tung hô xong rồi không có điều kiện gì để họ phát huy tài năng, thì xét cho cùng, kết thúc sự nghiệp của họ cũng chẳng khác gì những thế hệ cũ.

Khi ông Hoàng Anh Tuấn thất bại ở giải U19 Đông Nam Á 2021, thì người tiếp quản ghế HLV chính là ông Troussier để dẫn dắt đội U19 đá vòng loại châu Á. Bây giờ, một người thì trở lại với đội U20 còn người kia thì lên đội tuyển quốc gia. Chúng ta đang dùng những con người cũ cho các mục tiêu mới, điều này phản ảnh sự thiếu thay đổi của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là với bóng đá tuổi U. Chúng ta chọn cách an toàn nhất, đó là làm việc với những người đã am tường cầu thủ trẻ, nguyên nhân lớn nhất đến từ việc hệ thống tạo ra tài năng vẫn theo mô tuýp “đưa lên hết rồi tuyển chọn’.

Làm như vậy, có thể tạo ra những thành công ở các sân chơi quốc tế tuổi U nhờ tính tập trung, nhưng lại khó tạo ra được sự đột biến gì ở phía đội tuyển quốc gia, đành phải nhờ đến điều đặc biệt từ HLV trưởng kiểu như mấy đêm tập muộn mà chưa biết chủ đích là gì. 

U23 Việt Nam: Sau tập đêm là tập trưa

Hôm qua (2/3), đội tuyển U23 Việt Nam đã có buổi tập thứ 2 dưới quyền HLV Troussier. Ở buổi tập đầu tiên, “những chiến binh sao vàng” tập muộn gần 1 tiếng đồng hồ so với thời gian dự kiến ban đầu là 20h tối ngày 1/3. Các bài tập thiên về sức bền và khả năng chạm bóng, xử lý, kiểm soát và xoay sở. Ở buổi tập thứ 2, các cầu thủ cũng tập muộn hơn so với dự kiến khoảng 30 phút. Các bài tập vẫn chủ đạo là chạm bóng, xử lý bóng 2 nhịp. Ông Troussier yêu cầu các học trò phải khống chế bóng tốt ngay từ lần chạm đầu tiên, sau đó chuyền bóng, di chuyển vào không gian trống trong nhịp chạm thứ 2.

Ở phần sau, ông Troussier bắt đầu kết hợp dần với một số bài di chuyển, đối kháng đội hình. Cuối buổi tập, ông Troussier sử dụng thêm 4 thủ môn để các thủ thành quen với việc kiểm soát, chơi bóng bằng chân, triển khai bóng từ tuyến dưới. Khối lượng tập luyện không lớn nhưng ông Troussier yêu cầu rất cao về việc xử lý bóng khiến buổi tập kết thúc rất muộn.

Khoảng hơn 12h trưa, buổi tập của U23 Việt Nam mới có thể kết thúc. Nhiều cầu thủ cảm thấy khá mệt khi phải hoạt động liên tục, lặp đi lặp lại các tình huống bóng trong phạm vi hẹp. Dù vậy, với riêng HLV Troussier, ông và các trợ lý còn tiếp tục thị phạm, bàn bạc bài tập cho buổi tối thêm khoảng 1 tiếng nữa.

Ông Troussier cùng trợ lý Moulay Azzeggouarh chỉ kết thúc công việc khi các bài tập đã được thống nhất với nhau về cách vận hành, khối lượng. Về phía U23, trường hợp duy nhất phải tập bên ngoài do chấn thương là tiền vệ trái Nguyễn Hữu Nam (CLB Viettel).