Người vay tiền căng thẳng vì lãi suất quá cao

Người vay tiền căng thẳng vì lãi suất quá cao

Lãi suất cho vay cao ngất ngưởng khiến người vay tiền phải gồng mình trả nợ và mòn mỏi chờ ngày lãi suất giảm trở lại.

Lãi suất cho vay quá cao đang tạo gánh nặng rất lớn cho cả người dân lẫn doanh nghiệp (DN). Điều này được thể hiện rất rõ qua phản ánh của người đi vay trên nhiều lĩnh vực trong thời gian gần đây.

Người dân méo mặt

Nhiều ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất cho vay để giúp khách hàng vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người vay tiền cho biết họ liên tiếp nhận được thông báo mới từ các ngân hàng về việc tăng lãi suất cho vay, lần sau thường cao hơn lần trước 1%-1,5%. Tính chung đến nay lãi suất cho vay tiêu dùng (mua nhà, mua xe…) đã tăng lên mức 15%-16%/năm và 11%-13%/năm với vay kinh doanh. Không chỉ khoản vay mới chịu lãi cao mà lãi vay cũ cũng tương tự.

Anh Minh Long (nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM) kể cách nay vài ngày anh lại nhận được thông báo từ ngân hàng về việc nâng lãi suất cho vay mua nhà từ 12% lên 14,9%, sau khi đã tăng một số đợt trước đó.

“Kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân không tăng nhưng lãi suất thì liên tục tăng tốc. Làm ra bao nhiêu chỉ đủ nuôi ngân hàng. Ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay nhưng làm sao giảm được khi thời gian qua họ đua nhau tăng lãi suất huy động, tức chi phí đầu vào tăng mạnh” – anh Minh Long thở dài.

Anh Minh Long không phải là trường hợp cá biệt. Chị Minh Hiền, nhân viên văn phòng ở quận 3, TP.HCM, cho biết chị đang có khoản vay mua căn hộ tại một ngân hàng. Trong thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay ở mức 8,9%/năm. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay bị đẩy lên tới trên 14%/năm, tức tăng tới hơn 5%/năm so với trước. Điều này khiến áp lực trả nợ, lãi của gia đình chị ngày càng lớn.

Ngân hàng Nhà nước liên tục yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để giúp khách hàng vượt qua khó khăn. Ảnh: TL

Chị Hiền tính toán: “Năm ngoái, mỗi tháng tôi chỉ phải trả nợ cả gốc và lãi khoảng 6,3 triệu đồng. Sau một năm trả nợ, giờ đây dư nợ gốc đã giảm bớt nhưng hằng tháng tôi phải trả ngân hàng khoảng 9,3 triệu đồng. Đây thực sự là một gánh nặng khiến tôi mất ăn mất ngủ lo chuyện có tiền trả ngân hàng”.

Không chỉ vay mua nhà mà lãi suất các khoản vay khác cũng tăng chóng mặt. Chị Thảo (nhà ở quận 9, TP.HCM) kể chị vay tín chấp 400 triệu đồng để mua ô tô cho ông xã chạy Grab. Lãi suất ưu đãi ở mức gần 9%/năm nhưng hiện đã tăng lên 16%/năm và chỉ áp dụng trong ba tháng rồi sẽ điều chỉnh theo hướng thả nổi.

“Trong năm đầu cả gốc và lãi tôi phải trả mỗi tháng khoảng 9,5 triệu đồng. Giờ đây tiền gốc đã giảm đi nhưng với lãi tăng quá mạnh khiến mỗi tháng tôi phải chi trả cả gốc và lãi lên đến gần 11 triệu đồng cho khoản vay này. Vì vậy, ông xã đi làm chỉ đủ tiền trả ngân hàng, trong khi giá cả sinh hoạt đều tăng khiến áp lực cuộc sống của gia đình tôi rất căng thẳng” – chị Thảo nói.

Doanh nghiệp lao đao

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho biết: Hiện có khoảng 46% DN đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn nhất là thiếu vốn, thiếu dòng tiền nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì các khoản trả nợ lãi vay cùng các khoản khác để duy trì vận hành hoạt động ở mức tối thiểu.

“Nhiều đơn vị cần bổ sung dòng tiền khi có đơn hàng mới nhưng lãi suất quá cao, cộng với các điều kiện cho vay của ngân hàng siết rất chặt. Trong khi đó, chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận đơn hàng giảm sút” – ông Việt nói.

Bà Phương Mai, chủ một DN nhỏ ở quận 2, TP.HCM, chuyên làm quà tặng cho các sự kiện, chia sẻ: Số lượng đơn hàng giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay không có dấu hiệu hạ nhiệt. Có những đơn hàng công ty đã bỏ vốn ra mua sản phẩm, rồi thuê dịch vụ in ấn thương hiệu logo lên sản phẩm theo mẫu đã thiết kế. Đùng một cái đối tác nói họ bị mất khả năng thanh khoản, không còn dòng tiền để trả nợ. Đã vậy còn phải gánh thêm cả khoản lãi vay ngắn hạn ngân hàng trên 10%/năm, cao gần gấp đôi so với giai đoạn trước dịch COVID-19.

Bà Phương Mai thông tin thêm: “Đây là khoản vay ngắn hạn nên cứ sáu tháng tôi phải đáo hạn một lần, nếu không trả đúng hạn sau này rất khó để tiếp cận vốn ngân hàng, khi đó còn chết nữa”.

Lãi suất cao đang là rào cản lớn với doanh nghiệp và người dân. Ảnh: TL

Đại diện nhiều công ty khác cũng cho hay trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí tối đa để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đặc biệt, từ cuối năm 2022 đã có 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất 0,5%-3%/năm để hỗ trợ DN và người dân nhưng chờ mãi chưa thấy lãi suất giảm.

Giải thích về việc lãi vay tăng cao, lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận lãi suất huy động cao khiến lãi suất cho vay tăng theo. Hiện lãi suất huy động dao động quanh mức 9%-10%/năm nên lãi suất cho vay phải cao hơn lãi suất huy động 2,5%-4,5%/năm.

Theo các chuyên gia, với mức lãi suất cho vay cao như hiện nay rất khó khuyến khích vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ tác động không nhỏ đến tăng trưởng của nền kinh tế. Tại một diễn đàn về hỗ trợ DN mới đây, PGS-TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề: “Với lãi suất cao 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao DN sống được?”.

Nhà kinh doanh gặp khó khăn kép

Hiệp hội DN TP.HCM cho biết hiện các DN đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện vì một số DN lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của DN. Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho DN sử dụng đòn bẩy nợ vay. Bởi vậy, NHNN cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh, nhằm hạ lãi suất vay. Thậm chí, việc khống chế tỉ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay.

Đồng thời Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay một năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ năm 2021, càng làm DN khó khăn thêm.

Tác động dây chuyền

Là một công ty chuyên phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân, nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết ngoài câu chuyện lãi suất cao thì tắc vốn đang là khó khăn lớn nhất của DN bất động sản. Trong khi đó, tiền là “máu” của DN.

Hiện nay, nhiều công ty bất động sản buộc phải dừng triển khai dự án vì không có tiền trả nợ cho nhà thầu. Từ đây dẫn đến tình trạng những nhà cung cấp nhỏ cho các nhà thầu muốn đòi tiền cũng không được. Hệ quả là toàn ngành bất động sản bị kẹt dây chuyền, dẫn đến thu nhập của những người lao động trực tiếp mảng xây dựng hay những người liên quan đến ngành nghề xây dựng như xi măng, sắt thép… bị ảnh hưởng nặng nề.

“Do đó, nếu ngành bất động sản phục hồi không chỉ đem lại lợi ích cho cả ngân hàng, DN và người dân mà còn kéo theo khoảng 40 ngành nghề khác trong nền kinh tế cùng phát triển” – ông Nghĩa nói.

Yêu cầu ngân hàng đối thoại trực tiếp với khách hàng

Thống đốc NHNN vừa có Công văn 953/2023 yêu cầu các chi nhánh NHNN triển khai tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng – DN trên địa bàn trong tháng 2 này để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng. Qua đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ.

Đồng thời nắm rõ thông tin về các DN không tiếp cận được vốn vay ở ngân hàng nào (DN không đủ điều kiện hay ngân hàng không cho vay) và nguyên nhân không tiếp cận được.

“Chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật” – công văn nêu rõ.

THÙY LINH

Pháp luật TPHCM